LRC-TNU
Đang tải dữ liệu...

Chưa có tài khoản? (Đăng ký)       Quên mật khẩu?

Lịch sử hình thành

Giới thiệu trung tâm Thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa
        Trung tâm Thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa (T1) của Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND, được thành lập theo Quyết định số 3134/QĐ-X11 ngày 25/4/2011 của Tổng cục XDLL CAND (nay là Tổng cục chính trị CAND). Trung tâm có nhiệm vụ quản lý, thực hiện các hoạt động về công tác thông tin khoa học; quản lý, bổ sung, khai thác có hiệu quả hệ thống thư viện, tư liệu giáo khoa, cung cấp nguồn thông tin tư liệu, sách và các ấn phẩm khác phục vụ yêu cầu công tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập và nhu cầu hiểu biết văn hóa của cán bộ, giáo viên và học viên Nhà trường.
          Khi mới thành lập, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn cả về đội ngũ, cơ sở vật chất và nguồn tư liệu.
        Trung tâm có 11 cán bộ (4 nam, 7 nữ); về trình độ: có 9 đại học (trong đó có 01 cán bộ tốt nghiệp đại học thư viện, 02 kỹ sư CNTT, còn lại là đại học khác), Trung cấp: 03. So với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ của Trung tâm vừa thiếu, vừa hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Trung tâm được trang bị 6 máy tính kết nối mạng LAN, hơn 10 ngàn cuốn giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo (chủ yếu là tài liệu nội sinh giảng dạy hệ trung cấp), nhiều  tài liệu còn ít giá trị sử dụng; chưa có hệ thống mạng máy tính kết nối Internet, chưa có website và phần mềm quản lý thư viện. Các hoạt động chuyên môn về công tác thư viện như biên mục, mô tả tài liệu, hệ thống tra cứu tài liệu, công tác phục vụ bạn đọc… hoàn toàn theo phương pháp truyền thống, chưa được ứng dụng CNTT vào các hoạt động thư viện.
       Trung tâm Thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa (Thư viện) có vai trò quan trọng trong hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Ở môi trường đại học, thư viện trở thành một trong những nơi cung cấp tri thức hiệu quả nhất cho cán bộ, giáo viên và học viên. Thư viện lưu trữ, bổ sung và cập nhật những thông tin, các loại sách, giáo trình, tài liệu tham khảo (Tài liệu in và tài liệu điện tử), phục vụ các hoạt động tìm kiếm tài liệu; cung cấp nền tảng kiến thức cho công tác nghiên cứu, đào tạo và các hoạt động phát triển khoa học công nghệ; Thư viện là “Trái tim tri thức” của một trường Đại học.
        Nhận thức rõ vai trò của thư viện đại học, trong những năm qua Đảng ủy, BGH Nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo và tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển thư viện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và nguồn tài nguyên chất lượng cao, phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giáo viên và học viên:
       Về đội ngũ cán bộ: Hàng năm Trung tâm được bổ sung cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ; trách nhiệm trong công tác, có khả năng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Hiện nay tổng số cán bộ của Trung tâm là 20 đồng chí. Về trình độ:  05 ThS; 14 đại học, cao đẳng; 01 trung cấp. Trung tâm được hình thành 03 tổ: Tổ Tin học, Tổ Phục vụ bạn đọc, Tổ Thông tin  tư liệu và Tạp chí. Mỗi tổ có 01 tổ trưởng và do 01 PGĐ phụ trách. Trung tâm luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ và nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ Thư viện. Hàng năm đã cử các đoàn công tác đi tham quan, học hỏi các thư viện bạn; dự các hội thảo khoa học; cử 12 lượt cán bộ đến Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên tập huấn nghiệp vụ thư viện và phương pháp tổ chức phục vụ bạn đọc.
        Về cơ sở vật chất:  Khuôn viên của trung tâm được bố trí trên tòa nhà 4 tầng, có diện tích sử dụng hơn 2000m2, nằm ở vị trí độc lập, được bố trí các phòng đọc, phòng mượn, sách, báo, tài liệu và phòng thư viện điện tử.  Các phòng đọc được thiết kế rộng rãi, trang thiết bị khá đầy đủ, có đủ các điều kiện cần thiết thuận lợi cho cán bộ, giáo viên và học viên nghiên cứu, học tập.
Hệ thống Thư viện điện tử được đầu tư, xây dựng và khai trương đưa vào sử dụng tháng 8/2014 với các trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, gồm 4 máy chủ HP380G7, 50 máy trạm theo tiêu chuẩn 9001:2000, 01 máy số hóa tài liệu, 05 máy tra cứu OPAC, các thiết bị an ninh: Camera giám sát, cổng an ninh; các thiết bị khác như hệ thống âm thanh, máy in thẻ, máy đọc và khử từ, các thiết bị mạng, máy phô tô,.. Đến cuối năm 2015, Trung tâm hoàn thành Dự án mở rộng Thư viện điện tử với 150 máy trạm, nâng tổng số máy trạm lên 200 máy, đáp ứng yêu cầu truy cập thông tin của cán bộ, giáo viên và học viên Nhà trường.
        Về công tác thư viện: Trong quá trình tiếp nhận hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, thư viện tiến hành việc chuyển đổi từ mô hình thư viện truyền thống sang mô hình thư viện hiện đại theo phương châm “Chuẩn hóa, hội nhập và phát triển”: Trong công tác xử lý kỹ thuật, nghiệp vụ, đã chuyển đổi và áp dụng các chuẩn nghiệp vụ thư viện quốc tế như Khung phân loại DDC 14, Khổ mẫu biên mục đọc máy MACR 21, Quy tắc biên mục  Anh Mỹ AACR2; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thông tin thư viện như sử dụng phần mềm quản lý thư viện tích hợp ILIB; Tổ chức quản lý vốn tài liệu, quản lý bạn đọc, phục vụ bạn đọc và xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống tra cứu điện tử trên hệ thống các Modul của phần mềm ILIB;
        Tài liệu in: Vốn tài liệu được thường xuyên bổ sung về số lượng và phong phú về chủng loại, phù hợp với các chuyên ngành đào tạo của Trường, bao gồm các loại sách, giáo trình, tài liệu tham khảo; các tài liệu về Khoa học xã hội, khoa học cơ bản. Ngoài ra còn có các loại sách, tài liệu về giáo dục chính trị, t­ư tư­ởng, văn học, lịch sử, văn hóa và giải trí. Nguồn tài liệu hiện có tại Trung tâm là hơn 2.500 đầu sách với gần 40.000 cuốn, trong đó giáo trình, tài liệu dạy học chuyên ngành có 315 đầu sách với gần 27.000 cuốn; sách tham khảo gần 2.200 đầu sách với 12.600 cuốn; tài liệu nước ngoài 78 đầu sách với 201 cuốn.  Báo có 07 loại với 1.900 số; tạp chí có 12 loại với 420 số. Hàng năm Nhà trường có kế hoạch phân bổ kinh phí mua sách, giáo trình, tài liệu dạy học. Trong 5 năm qua Trung tâm phục vụ được gần  35.000 lượt bạn đọc (trong và ngoài giờ), trong đó kho tư liệu nghiệp vụ được gần 32.000 lượt, phòng đọc tổng hợp được hơn 6.500 lượt.
         Tài liệu điện tử: Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa đã được đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống Thư viện điện tử, phòng đọc kết nối mạng không dây với hệ thống phát sóng wifi miễn phí toàn bộ khuôn viên tòa nhà thư viện, có website (http://t1.truongt36.edu.vn/) riêng để phục vụ bạn đọc tra cứu tài liệu và tải tài liệu điện tử ở mọi lúc mọi nơi thông qua mạng internet. Thư viện Nhà trường được kết nối với các nguồn tài liệu của Thư viện Việt Nam; Trang tailieu.vn; Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên , giúp cho cán bộ, giáo viên và học viên tiếp cận với nguồn tài liệu phong phú, đa dạng.
         Trung tâm có 7000 tài liệu điện tử về Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử, Tài chính, Kế toán, Ngoại ngữ, … Ngoài ra người dùng có thể truy cập trực tiếp trang Tailieu.vn với 1,5 triệu các loại tài liệu (sách, giáo trình, tài liệu tham khảo, báo, tạp chí, đề tài, luận văn, luận án,..), đồng thời qua đó có thể tra cứu tài liệu với 70 trường đại học, nâng tổng số tài liệu có thể truy cập lên đến hàng chục triệu tài liệu thuộc các lĩnh vực phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập của cán bộ giáo viên và học viên. Thư viện đang tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, tài liệu nội sinh, trong đó chú trọng bộ giáo trình điện tử của nhà trường và CSDL điện tử luận văn, khoá luận chuyên ngành mà Nhà trường đang đào tạo để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của các đối tượng người dùng tin.
          Công tác thông tin khoa học và tư liệu: Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giới thiệu sách mới, giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm thông tin khoa học đến từng đối tượng bạn đọc nhằm khuyến khích và tạo hứng thú đọc sách đối với đông đảo bạn đọc của thư viện. Trong những năm gần đây hoạt động đào tạo cho người dùng tin luôn được đẩy mạnh. Thư viện đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khai thác, sử dụng Thư viện điện tử, đảm bảo cung cấp đến người dùng tin những kiến thức cơ bản nhất về các hoạt động và dịch vụ của thư viện. Ngoài ra thư viện còn tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách mới, sách theo chuyên đề và vận động thu hút các nguồn tài liệu điện tử miễn phí để giới thiệu cho bạn đọc. Phối hợp với Đoàn thanh niên trong việc truy thu các tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, học tập của cán bộ giáo viên trong Trường. Thường xuyên phối hợp với các Khoa, Bộ môn trong việc truy thu các tài liệu nội sinh, thực hiện công tác xã hội hóa hoạt động thư viện và qua đó nhằm khơi dậy lòng yêu sách, ham mê đọc sách ngày càng sâu rộng đối với tất cả các đối tượng bạn đọc trong Trường.
Không ngừng mở rộng quan hệ trao đổi, hợp tác chia sẻ về công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ tài nguyên thông tin với các Trung tâm thông tin của Bộ Công an, với liên hiệp thư viện các trường đại học, liên hợp các nguồn tin điện tử, Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên, Thư viện tình Bắc Ninh,..
          Trung tâm đã cấp gần 2000 thẻ thư viện và tài khoản truy cập nguồn tài liệu, đã có hơn 3.500 lượt bạn đọc khai thác tài liệu điện tử phục đào tạo và NCKH. Thư viện thực sự đã trở thành giảng đường thứ 2 và là nơi học tập thân thiện đối với cán bộ, giáo viên và học viên toàn Trường.
Công tác Tạp chí: Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Tổng cục III và các cơ quan quản lý báo chí. Bộ Thông tin Truyền thông đã cấp phép xuất bản Tạp chí KHGD Kỹ thuật – Hậu cần cho Trường, đồng thời được Bộ KH&CN cấp chỉ số ISSN. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã ký Quyết định cho phép Nhà trường thành lập đơn vị Tạp chí Khoa học giáo dục Kỹ thuật – Hậu cần.
          Từ đầu năm 2015 đến nay đã xuất bản và phát hành Tạp chí số 1và số 2 với hơn 3000 cuốn; chuẩn bị xuất bản Tạp chí số 3 với chủ đề kỷ niệm “5 năm ngày thành lập Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND“; kỷ niệm các ngày lế lớn của đất nước và 70 năm thành lập lực lượng CAND, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định cho Tạp chí đi vào hoạt động như: Quy định hoạt động của Tạp chí KHGD Kỹ thuật – Hậu cần; Danh sách thành viên Hội đồng biên tập; Quy định viết bài đăng tạp chí; Quy định trả nhuận bút viết bài đăng tạp chí,..
 
          Thực hiện kế hoạch và chiến lược phát triển trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND từ nay đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phương hướng xây dựng và phát triển Trung tâm thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa, đáp ứng nhu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo theo học chế tín chỉ, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường, cụ thể như sau:
    - Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; Ứng dụng các chuẩn nghiệp vụ thư viện tiên tiến vào tổ chức và quản lý nguồn tài nguyên theo hướng chuẩn hoá và hiện đại phù hợp với xu thế chung của ngành Thông tin - Thư viện Việt Nam và thế giới.
    - Tăng cường hoạt động thông tin - thư viện, đáp ứng nhu cầu tìm tin nhanh chóng, chính xác, thực hiện việc liên thông trao đổi dữ liệu, chia sẻ nguồn lực với các thư viện và cơ quan thông tin trong nước, khu vực và quốc tế.
    - Không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng tài nguyên tri thức dưới dạng điện tử, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu, tài nguyên tri thức có chất lượng cao (bản gốc Tiếng Anh). Chuẩn hóa các nguồn tài liệu nội sinh như: Sách chuyên khảo, giáo trình, bài giảng điện tử, đề tài nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của cán bộ, giáo viên, nghiên cứu sinh và học viên của Trường.
    - Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Có tinh thần phục vụ nhiệt tình, có kỹ năng giao tiếp tốt, phong cách làm việc chuyên  nghiệp với phương châm “Lấy bạn đọc làm trung tâm”.
Đầu tư cho Thư viện là đầu tư cho một hệ thống cơ sở vất chất dùng chung có tính nền tảng, tác động tích cực đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập của cán bộ, giáo viên và học viên Nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Hậu cần, kỹ thuật trong lực lượng Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước và Hội nhập QT./.

 
Các tin khác

Bình chọn

Bạn có thường xuyên đến Thư viện hay không ?
    Đến thư viện hàng ngày
    1 tuần /2 lần